Mùa Nước Nổi

Sáng nay đi chợ thấy có bán bông điên điển, vậy là sắp tới mùa nước nổi rồi. Dân đồng bằng sông Cửu Long này quen gọi thời gian nước ngập trắng đồng là “mùa nước nổi” hay đơn giản là “mùa nưóc”. Họ đã sống chung thuận hòavới mùa nước từ xửa từ xưa, “từ thuở mang gươm đi mở cõi”, biết rõ quy luật của nó, biết tận dụng nó để làm lợi cho mình, chứ đâu phải gần đây mới có “mùa lũ” gì đó, rồi phải kêu gọi “sống chung với lũ” gì đó cho phức tạp cuộc đời.

Sông Cửu Long là phần hạ lưu của sông Mê Kông chảy qua địa phận Việt Nam. Dòng sông đã bồi đắp nên một đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, vựa lúa của cả nước. Vùng đồng bằng này được tưới tắm phù sa mỗi năm, khiến năng suất lúa cao vót mà đất không bao giờ cằn cỗi, tất cả là nhờ có mùa nước nổi. Các dòng sông lớn như sông Hoàng Hà, Dương Tử ở Trung Quốc,sông Hồng ở Việt Nam luôn đe dọa gây lũ lụt cuốn trôi ruộng vườn nhà cửa vào mùa lũ, khiến người ta phải đắp đê ngăn chặn,mà nếu đê vỡ sẽ gây tai họa lớn. Sông Cửu Long trong mùa lũ vẫn hiền hòa, nước “nổi” lên từ từ là nhờ có Biển Hồ ở Campuchia chứa lượng nước rất lớn từ thượng nguồn đổ về, rồi “xả” lần lần xuống đồng bằng nước ta.

Mùa nước nổi kéo dài bao lâu

Hàng năm, khoảng mùng năm tháng năm âm lịch nước sông Cửu Long từ trong (tương đối) trở thành đục ngầu, người ta gọi là nước quay, nghĩa là bắt đầu mùa nước. Từ thời điểm đó nước sông dâng lên từ từ, rất từ từ khó nhận thấy. Tới tháng 7 tháng 8 nước lên nhanh hơn, ngập ruộng đồng và đỉnh điểm là khoảng rằm tháng chín, gọi là nước phân đồng. Sau đó nước rút xuống từ từ tới giữa hoặc cuối tháng 10 là ruộng đồng trở lại như cũ. Thời gian nước ngập chừng ba bốn tháng tùy năm. Thời điểm nước lên gần giống nhau ở mọi năm chỉ có mực nước lên cao thấp là không biết trước được. Tuy vậy thời gian nước ngập cao nhất chỉ khoảng nửa tháng và mỗi ngày nước chỉ lên vài phân nên người ta có thể chủ động dọn dẹp, di dời mọi thứ an toàn trước khi nước dâng tới cao điểm.

Mùa nước nổi có gì …
Xưa
Khi nước bắt đầu lên người ta sạ lúa mùa, nước lên tới đâu lúa vượt tới đó, trổ bông kết hạt trên mực nước sâu 2-3 thước. Khi nước rút hết là lúa cũng chín, người ta gặt lúa là xong mùa, khỏi làm cỏ bón phân gì ráo. Cách nay 15 – 20 năm còn thấy lúa mùa, bây giờ tuyệt không có nữa, nhớ ghê.
Cá nhiều, bông điên điển nhiều, bông súng nhiều. ngồi trên nhà sàn câu cá, bơi xuồng ra sau hè hái bông điên điển là có nồi canh chua ngon lành. Không nấu canh chua thì kho mắm ăn với bông súng, cũng ngon luôn.
Mùa nước hồi xưa là mùa cá, cá nhiều vô số nên đó cũng là mùa làm mắm, mắm linh, mắm sặc, mắm cá chốt, mắm lóc…

Nay

Đắp đê bao ngăn nước để làm lúa ba vụ. Dân ĐBSCL chỉ biết xài phân hóa học, không biết xài phân chuồng, phân hữu cơ nên chỉ vài ba năm không có nước phù sa là đất bạc màu, năng suất giảm. Lại thêm mỗi khi nước lên là cuốn trôi sâu bệnh, dìm chết cỏ dại còn cứ làm liên tục thì sâu bệnh cỏ dại tha hồ sinh sôi, nông dân kêu trời. Những vùng đắp đê bao sẽ ra sao, sẽ phá đê, hay giữ đê hay gì gì nữa thì chưa biết.
Vùng chưa đắp đê bao thì nuôi tôm, nuôi cá lóc trên đồng nước, gọi là nuôi đăng quầng. Cá tôm tự nhiên thì cạn kiệt đáng kinh ngạc. Buồn hơn nữa là bông điên điển mỗi năm một ít đi. Có lần tui vô quán gần nhà vào mùa nước nổi, nghe giới thiệu đặc sản bông điên điển xào tép mà xém té ghế. Sáng nay giá bông điên điển ở chợ là 25.000đ/kg.