THẨM ĐỊNH LẠI NHỮNG Ý KIẾN TRÁI NGƯỢC NHAU TRONG VỤ ÁN TRẦN NGỌC SƯƠNG

Copy từ blog Phạm Viết Đào

Vừa qua dư luận báo chí đưa tim rầm rộ về vụ án bà Trần Ngọc Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu bị kết án về tội: Lập quỹ trái phép, bị kết án 8 năm tù; dư luận báo chí đã lan ra xã hội và làm nóng cả các cơ quan chức năng, buộc một số vị cũng đã phải vào cuộc bày tỏ chính kiến của mình như: Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, một vài quan chức và một số đại biểu Quốc hội, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Điều làm cho chúng tôi băn khoăn đối với các ý kiến trái chiều đó là: phần lớn đều là những ý kiến chung chung, rất không ít ý kiến có thể coi là lơ tơ mơ, “nói lồi” theo kiểu dân Nghệ, trong đó kể cả ý kiến của các luật sư. Một số ý kiến chỉ căn cứ vào luật pháp nói chung mà không căn cứ vào luật pháp hiện hành quy định về việc thu chi tài chính để làm sáng tỏ dư luận, giúp các cơ quan chức năng làm đúng phận sự mà lại kích nổ, đổ thêm lửa vào dầu, thách đố quyền lực của nhau….

Gây nên sự om xòm có một phần do bởi các phóng viên báo chí do không nắm chắc, nặng về thông tin, đưa chuyện hơn là suy xét, phán xét làm sáng tỏ vấn đề theo nguyên lý: cờ ngoài bài trong.

Tình trạng do không nắm vững, không dựa vào các cơ sở, căn cứ pháp lý chuyên ngành để tư vấn cho dư luận khá phổ biến trong lĩnh vực thông tin báo chí nước nhà. Hiện nay các báo đều có các phóng viên chuyên trách có kiến thức, bằng cấp không chỉ luật pháp mà cả kinh tế nhưng lại không làm cho vấn đề được soi tỏ…

Vấn đề đặt ra trước tiên đối với vụ án Ba Sương là bà có tội hay không có tội? Yếu tố tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt chỉ là vấn đề phụ trong vụ án này; có giảm nhẹ thì cũng chỉ giảm nhẹ 1/3 số năm bị tù theo khung hình phạt chứ không thể miễn tố, xóa án nếu có tội thật. Khi nói đến sai hay bất công thì phải căn cứ sai với cái gì, và bất công với trường hợp nào?

Điều làm cho tôi băn khoăn: Bà Trần Ngọc Sương có can tội lập quỹ trái phép không, tại sao lại phải lập quỹ trái phép khi mà những khoản chi theo như thông tin nhiều báo đã đưa Bà Sương đều có quyền  được sử dụng quỹ hợp pháp để chi theo như các quy định của Nghị định 199/2004/ND-CP ngày 3/12/2004 là thời gian bà Ba Sương đang tại nhiệm?

Theo quy định của Nghị định 199 thì Nông trường Sông Hậu là một doanh nghiệp nhà nước, do đó được phép trích quỹ phúc lợi rút từ lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh. Với khoản tiền mà bản án đã kết tội cho Bà Sương là đã chi sai 4,3 tỷ đồng là một khoản tiền không lớn đối với doanh thu và lợi nhuận của một doanh nghiệp như Nông trường Sông Hậu?

Một doanh nghiệp như nông trường sông Hậu, có những hợp đồng  buôn bán có khi lên tới hàng trăm triệu USD thì quỹ phúc lợi phải lên đến hàng chục tỷ đồng, như vậy nguồn chi cho phúc lợi của bà Ba Sương là rất lớn, là dồi dào, cần gì phải thêm quỹ trái phép? Hay là bà Ba Sương đã chi hết quỹ phúc lợi rồi còn cho lập thêm khoản  quỹ khác để chi?

Đây là vấn đề các cơ quan tố tụng, các luật sư và cả bà Ba Sương phải căn cứ vào các quy định của Nghị định 199 để xem xét có tội hay không tội, có lập quỹ trái phép hay được phép?

Tại mục 4 của Điều 28 Nghị định 199 quy định về Quỹ phúc lợi được dùng để:

a) Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của công ty;

b) Chi cho các hoạt động phúc lợi công cộng của tập thể công nhân viên công ty, phúc lợi xã hội;

c) Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng;

d) Ngoài ra có thể sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, hoặc làm công tác từ thiện xã hội.

Việc sử dụng quỹ phúc lợi do Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với công ty không có Hội đồng quản trị) quyết định sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn công ty.

5. Quỹ thưởng Ban điều hành công ty được sử dụng để thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc công ty. Mức thưởng do đại diện chủ sở hữu quyết định gắn với hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty, trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty đối với công ty không có Hội đồng quản trị.

6. Việc sử dụng các quỹ nói trên phải thực hiện công khai theo quy chế công khai tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của Nhà nước.

7. Công ty chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.

Như vậy các khoản chi của Nông trường Sông Hậu là có nguồn chi hợp pháp, chả nhẽ được phép lập nguồn và được phép lập quỹ để chi thế mà bà Ba Sương và bộ máy kế toán ở đây lại: đường quan không đi lại quàng vô bụi rậm;

Theo quy định tại điều 23 của Nghị định 199, bà Ba Sương còn được phép đưa vào Chi phí hoạt động kinh doanh các khoản chi sau đây được quy định tại mục: d) Kinh phí bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, bảo hiểm y tế cho người lao động mà công ty phải nộp theo quy định và mục đ) Chi phí giao dịch, môi giới, tiếp khách, tiếp thị, xúc tiến thương mại, quảng cáo, hội họp tính theo chi phí thực tế phát sinh.

Một vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao Nông trường Sông Hậu và bà Ba Sương đều được phong anh hùng lao động thời đổi mới khi đang tại nhiệm; trong bất kỳ một bộ hồ sơ đề nghị phong anh hùng đối với các doanh nghiệp, các doanh nhân bao giờ cũng có sự xác nhận về sự lành mạnh hoạt động tài chính của bản thân người anh hùng và đơn vị anh hùng của các cơ quan chức năng tài chính?

Vậy nếu căn cứ pháp luật hiện hành truy cứu trách nhiệm hình sự bà Ba Sương can tội lập quỹ trái phép để chi sai nguyên tắc trong thời kỳ đang tại nhiệm, chứ không phải sau khi đã được phong anh hùng, điều này có nghĩa: việc phong anh hùng trước kia là sai, chứ không thể nói là bắn đại bác vào quá khứ; những cá nhân liên quan tới việc phong này đều phải truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã lập nên một bản thành tích ảo, lừa nhà nước trong việc phong tặng này ?

Ngược lại nếu việc phong tặng anh hùng là xứng đáng thì việc kết án bà Trần Ngọc Sương là lệch chuẩn chế độ, là trái pháp luật? Không thể nói: Việc phong anh hùng không sai và việc kết án bà Trần Ngọc Sương cũng là đúng pháp luật được ! Ở đây các cơ quan chức năng chỉ được phép lựa chọn 1 trong hai đáp án kể trên ?!

Ông Nguyễn Tấn Quyên- Bí thư tỉnh ủy T.P Cần Thơ và ông Huỳnh Văn Tiếp. Ảnh: Cao Nhật

Mới đây, các cơ quan công tố thành phố Cần Thơ khởi tố thêm tội danh tham ô tài sản quy định tại Điều 278 của Bộ luật hình sự đối với bà Trần Ngọc Sương: có hành vi lấy tiền nông trường sử dụng cá nhân trên 1,1 tỷ đồng, gồm 301 triệu đồng mua đất ở Sóc Trăng và 850.000.000 đồng giải quyết việc cá nhân…

Quả thật đây là những chuyện khó hiểu trong vụ án này? Chả nhẽ bà Ba Sương ấu trĩ và kém về nghiệp vụ quản lý tới mức tự mình ký chi cho mình các khoản lên tới hàng tỷ đồng lưu giữ trên sổ sách ?

Trong khi đó có những giám đốc doanh nghiệp có tài sản riêng lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng các cơ quan chức năng vào kiểm tra sổ sách kế toán chỉ thấy những vị này ký nhận có mỗi lương ?

Đây là một vấn đề, căn bệnh thuộc tính cơ chế? Hiện nay theo cơ chế lương thưởng hiện hành, kể cả những vị được hưởng phủ cấp trách nhiệm trên 10 phẩy cũng khó lòng có đủ tiền xây nhà, nuôi con ăn học cho ra trò? Trong thực tế thì rất nhiều Giám đốc doanh nghiệp vừa có nhà riêng lại có biệt thự sân vườn, lại gửi con ra nước ngoài, lại có nhà cho bồ nhí ? Vậy tiền ở đâu ra?

Qua vụ án bà ba Sương cho thấy không hiếm trường hợp: Còn mèo ăn vụng miếng mỡ thì bị nghiêm trị, con hổ vồ cả con bò thì vô can.

Trong trường hợp bà Ba Sương, nếu quả thật khoản tiền 4,3 tỷ kia là sai thật và vô túi của bà Ba Sương và cả khoản tiền bà bị kết về tham ô trong cáo trạng bổ sung thì đó là một khoản tiền không lớn, nếu không nói là tối thiểu phải được hưởng so với vị trí của một người đứng đầu một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra như nông trường Sông Hậu trong bối cảnh xã hội hiện nay ?

Tất nhiên luật pháp là luật pháp, khi hẩu và vui vẻ với nhau thì không sao, khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, sòng phẳng với nhau thì đều có cơ sở pháp lý để tống giam nhau. Đó là một thực tế sản sinh do cơ chế điều hành kinh tế của chúng ta hiện nay được mệnh danh là: cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Vừa qua việc UBND TP Hà Nội vừa thống nhất ý kiến của Văn phòng Quốc hội, chấp thuận dự án xây 227 căn nhà phục vụ cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương hiện công tác trong các cơ quan của Quốc hội. Đây là một quyết định dựa vào quyền lực hành chính để ban hành chứ không theo một quy định luật pháp nào. Bởi vì theo Luật Công chức thì công chức nhà nước chỉ được hưởng lương, phụ cấp trách nhiệm và phương tiện công vụ như xe hơi chứ làm gì có quy định từ cấp thứ trưởng trở lên sẽ được cấp nhà?

Còn cho rằng hiện các doanh nghiệp cò nhà biệt thự xe hơi, để công chức cấp cao yên tâm cống hiến cho nhà nước, để mà tích cực chống tham nhũng thì cần phải được đảm bảo nhà ở đàng hoàng; cách đặt vấn đề như vậy vẫn là cách đặt vấn đề theo ” lý của người Mèo “…

Bởi vì năm 1992, Thủ tướng đã ban hành quyết định 118, chấm dứt tình trạng bao cấp nhà ở. Quyết định này cũng đưa chế độ tiền nhà ở vào tiền lương bằng các mức phụ cấp khác nhau vào rồi còn gỉ?

Nhà cho cán bộ Quốc hội cấp Thứ trưởng và tương đương được xây tại “Đơn vị ở số 3” khu đô thị mới Xuân Phương  với tổng mức đầu tư ước trên 411 tỷ đồng

Thêm một ví dụ thứ hai: Ngày 11/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định (số 09/2008/QĐ-TTg) quy định nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ:

“Nhà ở công vụ được thiết kế theo 3 dạng: Nhà biệt thự, nhà chung cư và nhà một tầng (căn hộ) nhiều gian. Nhà biệt thự được thiết kế theo kiểu biệt thự đơn lập hoặc song lập, tối đa không quá 3 tầng, diện tích đất khuôn viên từ 350 m2 – 500 m2.

Tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ được quy định tương ứng với từng nhóm chức danh. Ví dụ, biệt thự loại A được bố trí cho các Ủy viên Bộ Chính trị, loại B được bố trí cho các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên”.

Chiểu theo quy định này, khi những chủ nhân ở nhà công vụ khi miễn nhiệm thì nghiễm nhiên phải trả nhà; trong thực tế thì rất nhiều vị đã nghỉ hưu, đã quá cố nhưng con cháu vẫn tiếp tục sử dụng nhà công vụ. Trong khi đó theo Luật đất đai và các quy định hiện hành thì tiêu chuẩn đất cấp phép xây nhà cho 1 hộ ở nội thành Hà Nội không quá 120 m2.

Mai đây nếu có một vị Thủ tướng mới khác lên, chơi rắn như các cơ quan tư pháp tại thành phố Cần Thơ; ông ta sẽ lập luận rằng: Đây là nhà, đất cấp cho công vụ, bây giờ các cố đã về thế giới bên kia rồi, vậy nên miễn thôi cho các vị không phải làm công chức, công vụ nữa, xin các vị trả lại đất cho nhà nước cho thanh thản?

Nếu chơi sát ván như thế thì rất nhiều vị sẽ phải trả nhà vì đó là nhà công vụ chứ không phải là nhà riêng, tư dinh. Kể cả 227 căn hộ cấp cho các thứ trưởng kia cũng sẽ bị thu hồi vì không luật pháp nào quy định, cho phép…

Hiện theo thông tin mà tôi nắm được một số vị còn được cấp đất xây nhà trên 350 m2 để xây nhà riêng. Xin tư vấn cho các vị, khi xây nhà nên lưu giữ cẩn thận các chứng từ, hoá đơn tài chính liên quan tới các khoản chi cho làm nhà để đề phòng mai đây nhỡ có một ông Thủ tướng nào đó giở luật ra: yêu cầu trả lại đất lại đất cho nhá nước; vì đây là đất để xây nhà công vụ chứ không phải tư dinh cho con cháu quan chức to…

Do vậy, căn cứ vào luật pháp hiện hành của tại thời điểm xây nhà, nhà các vị đã xây thì Chính phủ mới sẽ thanh toán theo giá gốc có phụ thêm phần lãi suất ngân hàng? Nếu không có hoá đơn tài chính thì các vị sẽ lôi thôi nếu chiểu theo luật pháp hiện hành và cả sau này ?

Nêu hai ví dụ này để thấy trong cơ chế quản lý kinh tế xã hội của chúng ta còn tồn tại nhiều điểm cập kênh, bất cập; chính đó là khoảng trống để cho tham ô, tham nhũng và sự tác oai tác quái của quyền lực…

Qua vụ án Trần Ngọc Sương cho thấy hình như đã xuất hiện trận tuyến giữa một bên là báo chí với một số quan chức của các cơ quan trung ương và bên kia là các cơ quan quyền lực của thành phố Cần Thơ ? Vậy đất nước ta đang ở thời kỳ ” tiền Tam Quốc ” hay ” hậu Tam Quốc” đây ?

Vụ án Trần Ngọc Sương liệu có là “khối u” của cơ chế mà không sớm thì muộn, không chỗ này thì chỗ kia cũng sẽ bục vỡ ra bởi trong cơ chế này mỗi con người đôi khi vừa là nạn nhân lại đồng thời là thủ phạm…

Để kết thúc bài viết này chúng tôi xin mượn bài từ được đề tựa cho bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa để suy ngẫm về thế sự hiện nay qua vụ án Nông trường Sông Hậu:

Hậu Giang (1) cuồn cuộn chảy về đông

Sóng dập dồn đãi hết anh hùng

Được thua, phải trái thoắt về không
Non xanh nguyên vẻ cũ

Bóng độ xuống tàn hồng

Bạn đầu bạc ngư tiều ven bãi

Mảnh trăng thanh gió hát, vui chơi

Gặp nhau hồ rượu đầy vơi

Xưa nay bao nhiêu việc

Phó mặc cuộc nói cười…

P.V.Đ

1/ Trong nguyên tác là Trường Giang…

Bình luận về bài viết này